Vì sao cần tự tin?

Tự tin là niềm tin vào khả năng và giá trị của bản thân. Sự tự tin giúp ta không chùn bước trước khó khăn, hay dao động bởi đánh giá của người khác. Cậu chắc từng gặp những người tự tin như vậy.

Ngược lại, sự tự ti có thể đánh gục một người thông minh và mẫn cán nhất. Nó giống như một tảng đá mà người ta buộc vào chân mình, khiến họ mất rất nhiều sức lực để bước dù chỉ một bước về phía trước.

Tự tin không phải tự cao

Thỉnh thoảng ai đó kể với tôi về một người nào đó rất tự tin. Khi tôi quan sát thêm, tôi có cảm giác người đó hình như tự cao nhiều hơn là tự tin. Đây là hai khái niệm khác nhau.

Tự tin gói gọn trong mối quan hệ cảm xúc của một người với bản thân họ. Trong khi đó, tự cao có ý nghĩa so bì với người khác. Yếu tố hơn thua ẩn dưới sự tự cao làm một người không bao giờ thấy đủ.

Tự cao có thể là một phương pháp tự vệ của một cá nhân trong môi trường nặng về so sánh và đố kị. Tự cao cũng có thể là một dấu hiệu của người ít kinh nghiệm, không thấy được sự đa dạng và đa chiều của cuộc sống.

Yếu tố bất lợi nhất của người tự cao là không cởi mở học hỏi kiến thức mới, hay lắng nghe ý kiến trái chiều. Về đường dài, họ dễ bị tụt hậu trước một thế giới liên tục thay đổi.

Làm thế nào để xây dựng lòng tự tin?

#1 Là chính mình

Tôi rất thích cụm từ trong tiếng Anh, ‘comfortable in your own skin‘. Dịch sát nghĩa là ‘thoải mái dưới làn da của mình’. Đó là khi một người đơn giản là chính họ. Thay vì cố làm một người khác, họ chấp nhận và thoải mái với cơ thể, tính cách, ưu và nhược điểm của bản thân. Với sự tự do về tinh thần đó, sự tự tin đến với họ rất tự nhiên.

Xã hội đã đặt nhiều áp lực lên các cá nhân với những chuẩn mực, định kiến và soi xét. Vì thế, chúng ta không cần phải làm thêm điều đó với mình nữa. 

Chúng mình chỉ cần là mình, thế là đủ. Khi mình không căng thẳng nữa, thì tự nhiên người đối diện với mình cũng không căng thẳng nữa. 

#2 Nói không với việc so sánh với người khác

Nguyên gốc tiếng Anh: “A flower does not think of competing with the flower next to it. It just blooms.” – Zen Shin

So sánh bản thân với người khác là trở ngại lớn nhất cho quá trình xây dựng lòng tự tin của một người.

Einstein từng nói: Tất cả mọi người đều là thiên tài, nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, thì nó sẽ sống cả cuộc đời tin rằng mình là đứa ngu ngốc*.

Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của bọn mình là tìm ra điều thực sự làm mình thích thú. Chúng ta cần hiểu được đâu là thế mạnh và điểm yếu của bản thân. Từ đó, ta sẽ tìm ra con đường phát triển tốt nhất cho mình.

#3 Tư duy phát triển – ‘growth mindset’

Tư duy phát triển (growth mindset) đặt trong đối nghịch với tư duy cố định (fixed mindset).

Khi đi học, tôi từng được động viên bởi các thầy cô tin tưởng vào sự tiến bộ của học trò. Họ khuyến khích và tạo ra môi trường thích hợp cho chúng tôi phát huy khả năng (tư duy phát triển). Tôi cũng gặp các thầy cô giáo dán nhãn cho học sinh, tin rằng trí thông minh là một cái hộp sắt màu đen không thay đổi được (tư duy cố định).

Hầu hết mọi người đều không sinh ra là thiên tài bẩm sinh. Không ai đã giỏi cái này, dốt cái kia như một định mệnh. Đa số dựa vào quá trình học hỏi, rèn luyện từ trường lớp, bạn bè và công việc.

Ai cũng có khả năng thay đổi và không có điểm yếu nào là mãi mãi. Tùy vào việc chúng ta có mong muốn thay đổi hay không, có bao nhiêu năng lượng và thời gian để tạo ra thay đổi.

Dưới góc nhìn của tư duy phát triển, chúng ta sẽ tự tin hơn vào sự tiến bộ của bản thân thay vì để những chiếc nhãn của một ai đó định hình cuộc đời mình.

#4 Bước ra khỏi vùng an toàn

Một người không chịu khó ra khỏi vùng an toàn, không có kinh nghiệm ứng phó với thay đổi, sẽ dễ bất an và thiếu tự tin.

Đôi khi chúng ta đánh giá thấp khả năng của bản thân. Vì vậy, những lựa chọn của ta có thể rơi vào vùng quá an toàn. Kết quả là chúng ta giới hạn khả năng phát triển của mình trong vùng an toàn đó.

Khi tôi thử với những giới hạn mới, tôi thường nhận ra giới hạn của mình rộng hơn mình tưởng.

Cảm giác trong một môi trường mới tương đối bất an. Đừng lo lắng. Con người chúng ta là một động vật có khả năng thích nghi cao. Quá trình thích nghi với thay đổi cho ta một độ bền về tâm lý và sự tự tin khi đối phó với những thử thách mới trong cuộc sống.

#5 Không ngừng học hỏi

Theo tôi, đây là điểm mấu chốt nhất.

Một người nhắm mắt băng qua đường quốc lộ, tự dặn mình phải tự tin. Sự tự tin đó thực ra không giúp ích cho sự an toàn của họ. Tuy nhiên, nếu người đó hiểu cách đường quốc lộ vận hành, thì anh hay cô ta có thể đi qua con đường nguy hiểm này, mà không hề hấn gì.

Kiến thức giống như việc hiểu con đường quốc lộ vậy. Kiến thức là đôi mắt sáng, làm chúng ta thấy được bản chất của sự vật hiện tượng quanh mình. Dưới ánh sáng của kiến thức, người ta có thể hiểu rõ cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu, để tự tin đưa ra các quyết định hợp với niềm tin và các giá trị của bản thân.

Làm gì khi không tự tin?

Qua năm tháng, kiến thức và trải nghiệm đã củng cố niềm tin của tôi vào bản thân. Tuy nhiên, khi một biến cố nào đó xảy ra, những ý nghĩ bi quan bao gồm cả sự tự ti có thể xâm lấm tâm trí tôi nhanh chóng.

Hãy cho mình thời gian và không gian.

Tôi thường ngồi thiền mỗi khi thấy tâm mình không ổn. Đó là cách tôi cho mình thời gian và không gian, để lắng nghe xem điều gì đang diễn ra trong nội tâm của mình?

Có phải mình đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào bản thân không? Có phải điều gì làm mình lo sợ và cần tìm hiểu ngọn ngành không?

Cậu có thể chọn một cách khác, như đi dạo, hay nghe một bản nhạc. Bất kỳ cách gì giúp tâm hồn bọn mình lắng lại.

Kết

Hiểu biết thấu đáo về sự vận hành của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong chúng ta là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa đến với niềm tin và sự chắc chắn về bản thân.

Chúc bọn mình tự tin^^


*Ghi chú:

Nguyên gốc tiếng Anh: “Everybody is a genius. But if you judge a fish by its ability to climb a tree, it will live its whole life believing that it is stupid.” – Albert Einstein