Wabi Sabi, khái niệm mỹ học tôi ưa thích, được sản sinh ở nước Nhật. Đó là thế giới quan đi tìm sự hoàn hảo trong việc chấp nhận tính nhất thờikhông hoàn hảo của đời sống. Wabi Sabi trân trọng tính không đối xứng, thô ráp và tự nhiên của sự vật.

Tôi nghĩ, mình thích nước Nhật bởi những tương phản, những chênh vênh, những ấm áp của đời sống thực, không phải những hình ảnh hoàn hảo bất biến trong một cuốn sách du lịch nào đó.

Sự kỳ diệu của văn chương là chỗ chúng ta không cần phải đến tận nơi đó, chụp một tấm ảnh, rồi giữ trong tủ kính. Ngôn ngữ có thể nhanh chóng đưa bọn mình đến một thế giới khác, thưởng thức những màu sắc của trí tưởng tượng.

Hãy tìm một góc nhỏ, pha cho mình một tách trà. Chúng mình sẽ cùng nhau lang thang ở Nhật, qua hai phần của bài viết về xê dịch này.

Chỉ còn một tuần nữa là chúng tôi lên đường.

Chúng tôi, hai đứa con gái đã quen nếp thị thành bóng bẩy và sự ngổn ngang ở công sở Singapore, rất cần một chuyến phiêu lưu.

Tôi và Trang sẽ bắt đầu hành trình chạy dài từ Tokyo xuống Kyoto và dừng chân ở Osaka trong vòng hai tuần lễ*.

Chúng tôi không đến Nhật vào mùa xuân anh đào rộ, cũng không vào mùa thu lá vàng óng như những tấm postcard người ta gửi về từ Nhật. Hai đứa chúng tôi, không hiểu sao chọn một cái mùa lạnh nhất trong năm, mùa đông.

Ở cái xứ nhiệt đới Singapore chỉ có hai mùa, là mùa hè ít mưa và mùa hè nhiều mưa, bọn con gái chúng tôi quanh năm xỏ tông, quần đùi, áo hai dây đi từ nhà, ra chợ rồi lên phố shopping. Có lẽ vì vậy mà ý nghĩ về cái sự lang thang vào mùa đông ở một xứ xa xôi làm nức lòng hai đứa.

Chúng tôi đến Tokyo lúc vừa qua giáng sinh.

Bọn tôi trú chân ở một khách sạn nhỏ xíu nằm trong một chiếc hẻm gần trung tâm thành phố. Tôi xếp hành lý vào trong phòng, nhanh chóng đi xuống tầng trệt.

Khách sạn có một góc cà phê nhỏ. Vài người ngồi tản mác, toàn là khách du lịch. Tôi thích nhìn người ta tận hưởng cái nồng nàn của mùa đông. Ai cũng ấm áp những tấm áo len dầy dặn. Những làn khói mỏng của hơi thở phả vào trong không khí, rồi tan biến như sương.

Tôi vớ lấy một cốc trà nóng, tìm một chỗ yên ổn, giở cuốn sách hướng dẫn du lịch Nhật của Hành Tinh Cô Đơn (Lonely Planet) ra xem. Lời mở đầu trong cuốn sách chạm mạnh vào tôi:

Có lẽ hơn bất kỳ đất nước nào trên trái đất này, nước Nhật làm bạn suy nghĩ. Đó là một đất nước nhìn sâu vào thế giới phương Tây rồi nói: “Chúng ta sẽ áp dụng công nghệ của họ, nhưng chúng ta sẽ giữ văn hóa của chúng ta.” Đó là một đất nước hàng chục triệu người chen chúc trong những thành phố đông đúc mà không mất đi sự bình tĩnh…

Những dòng này làm tôi xúc động. Tôi đã chán với những đất nước bỏ bê văn hóa của mình để chạy theo những mốt Tây phương. Tôi gật đầu, một nước Nhật sâu sắctự trọng.

Hôm sau, chúng tôi dậy sớm lên chợ cá Tsukiji*.

Thấy bảo, đây từng là chợ cá lớn nhất thế giới. Chợ ra đời khi ngành buôn cá phát triển rực rỡ ở Nhật, vào những năm 30-40 của thế kỷ trước.

6h sáng, chợ đã chật kín người. Tôi nhận ra đến nửa số người đang chen chân là khách du lịch. Chưa đầy 15 phút, tôi và Trang đã lạc mất nhau.

Mùi cá tanh nồng. Tôi dừng lại ở một hàng, xem người ta bán cá. Một bác đàn ông trung niên, tay rất lanh lẹ, hồ hởi cân cá cho khách. Những con cá bơi tung tăng, lộp bộp, thở ra những bong bóng khí.

Mẻ cá hồi mới về, tươi rói, được cắt thành từng miếng to bản. Cá hồi mua về từ lúc sáng sớm, là nguyên liệu tuyệt hảo cho món sushi.

Con ngõ gần chợ là nơi các quán ăn sushi xếp dày dặn cạnh nhau. Tôi lần đến hàng sushi mà cuốn Hành Tinh Cô Đơn gợi ý. Ôi thôi, khi đến nơi, thấy người ta xếp hàng dài đến mấy chục mét.

Tôi không ưa chỗ đông người. Tôi muốn có thời gian ngâm nga thưởng thức. Đang ngồi ăn sushi, uống trà nóng miên man, mà chục con người chờ ngoài cửa. Như vậy, sao tâm trí cất cánh cho nổi. Tôi lang thang về phía cuối con ngõ, luồn vào mặt đường phía sau.

Hiện ra trước mắt tôi, một quán sushi trầm lặng và duyên dáng lạ.

Quán nằm ở tầng trệt, chiều rộng tầm hơn 3 bước chân, nhưng dài thượt về phía sau. Khách ngồi ở chiếc bar hẹp khoảng 2 gang tay. Bar nằm ngay đối diện với chỗ chế biến. Bụng tôi bắt đầu réo rắt. Tôi gọi đĩa sushi và một tách trà.

Sushi ngon. Đúng là cá tươi làm vị của sushi khác mấy hàng tôi ăn ở Singapore.

Đến ngồi cạnh tôi, một người phụ nữ Nhật, tầm 40 tuổi. Thấy cách cô chào chủ quán, tôi đoán là khách quen. Một người đàn bà nhã nhặn và từ tốn. Chén trà nhỏ xinh, nằm gọn trong lòng bàn tay cô, nghi ngút khói. Tôi có cảm giác một sự bình yên nào đó toát ra từ người phụ nữ này.

Tôi thích những khoảnh khắc như thế, lạc lối giữa một chốn không quen. Tâm trí vừa bay bổng, vừa thư giãn, nhưng lại có phần hồi hộp vì lạ lẫm.

Tôi chắc phải ngồi ngâm nga gần 1 giờ. Từ từ, cô khách cạnh tôi đứng dậy, trả tiền. Trước khi rời đi, cô quay lại nhìn tôi và cười khẽ một cái. Một cách rất tự nhiên, tôi gật đầu chào lại. Bất chợt, tôi thấy lòng ấm. Tôi mỉm cười:

Con người bọn mình, đôi khi không cần diễn đạt mọi thứ qua lời nói. Sự đồng điệu thỉnh thoảng đến bằng những cử chỉ không tiếng động.

Đơn giản là thế, một ánh mắt thân thương của người lạ, ở một đất nước tôi không quen đã dựng dậy thứ cảm xúc rất con người trong tôi: cảm xúc kết nối.

Tokyo lúc tắt nắng, thay một màu áo khác.

Tokyo với những tòa nhà chọc trời, bận rộn và nghiêm túc ban ngày nhường chỗ cho sự phấn chấn và rạo rực của ban đêm. Những khu phố giải trí với ánh đèn màu lòe loẹt, chồng chất cạnh nhau.

Một hội thiếu niên 15-16 tuổi, ăn mặc như trong truyện tranh, đi cùng nhau, cười rúc rích. Những người đàn ông rời công sở muộn, rủ nhau vào mấy quán nhậu nhẹt lúc đã khuya.

Hai chị bạn Nhật mà Trang quen rủ chúng tôi đi ăn ở Roppongi. Chúng tôi đến nơi. Một cái quán với cánh cửa gỗ viết đầy chữ Nhật, phất phơ tấm rèm cửa kiểu đặc trưng.

Tôi bước vào trong, một cái quán rộng như sân đình.

Mỗi khi có khách vào, tất cả người phục vụ và các đầu bếp chợt dừng lại. Họ hô một tiếng đồng thanh rất kêu. Đó là cách họ chào khách, giống như một thứ lễ nghi. Tôi nghe bảo, lễ nghi là một điều quan trọng ở Nhật.

Wakana và Naomi là hai cô gái công sở hiện đại và cởi mở.

Qua trò chuyện, tôi biết hai người từng sống và làm việc ở ngoài nước Nhật. Wakana* dễ làm người đối diện có cảm tình vì sự nhẹ nhàng và đằm tính. Naomi* toát ra vẻ mạnh mẽ với mái tóc ngắn ngang vai và chiếc áo khoác dài màu đen.

Trời đã dần khuya. Chúng tôi bắt đầu thấm mệt. Wakana và Naomi đi bộ cùng tôi và Trang ra bến tàu. Tôi bước song song cùng Naomi, nghe chị giới thiệu một chút về cuộc sống ở đây. Bất chợt tôi quay ra hỏi:

Naomi, em không hiểu nhiều về văn hóa Nhật, nhưng có vẻ xã hội ở đây rất khắt khe với phụ nữ. Liệu phụ nữ có thể vừa phát triển sự nghiệp và vừa có gia đình không?

Đây dường như cũng là chủ đề mà Naomi quan tâm. Chị ấy ngâm nga một lúc rồi bảo tôi:

Nhiều phụ nữ Nhật đi làm công sở để tìm được một người chồng ưng ý. Sau khi kết hôn, họ nghỉ việc và ở nhà chăm sóc chồng con.

Công sở là nơi những người đàn ông ra quyết định, không có nhiều cơ hội cho phụ nữ. Xã hội cũng không dễ chịu với những người phụ nữ muốn thăng tiến trong sự nghiệp.

Nhưng nước Nhật đang thay đổi. Thế hệ những phụ nữ trẻ, không ít người đang muốn thoát ra. Nhiều trong số họ chọn cách sống độc thân, như một cách biểu tình trật tự cũ.

Trên đường về, những gì Naomi nói vẫn lảng vảng trong đầu tôi.

Nó nhắc tôi nhớ có lần Haruto*, thằng bạn Nhật hâm dở của tôi ở Singapore, kể với tôi về gia đình nó:

Bố mẹ tôi chuẩn bị ly dị bà ạ. Mừng quá.

Nhìn mặt tôi khó hiểu, nó bảo:

Ông bà ấy ly thân hơn chục năm rồi. Dù sao, thì tôi và đứa em gái lớn lên không có nhiều sự có mặt của bố. Ông ấy lúc nào chả ở công ty hoặc đi nhậu với bạn.

Mẹ tôi lo, nếu ly dị thì không nuôi nổi hai đứa chúng tôi. Bà chờ cho chúng tôi học xong đại học, rồi dọn ra. Bà mẹ tôi ở nhà nội trợ cả đời mà, kiếm đâu ra việc làm và thu nhập.

Tôi sống ở Singapore, nơi công sở tôi quá nửa là nữ giới. Các sếp trực tiếp của tôi ở Hà Nội trước đây cũng đều là nữ. Tôi gần như không có khái niệm về việc phân công lao động rạch ròi: anh săn bắn, em ở nhà hái lượm nữa.

Ngạc nhiên thay, ở một trong những quốc gia giàu có nhất hành tinh là đây, phụ nữ vẫn đang ngộp thở trong những giáo điều đã cũ của ngàn xưa*. Và tôi nghĩ, gánh nặng lên vai người đàn ông chắc cũng không hề nhẹ nhõm.

Tôi nhận ra, có lẽ nước Nhật không hoàn hảo như tôi tưởng tượng…

(Còn tiếp…)

Đọc tiếp: Phần 2: Nước Nhật, những cuộc chạm mặt


Chú giải:

Tên thật của nhân vật đã được thay đổi

*Tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động đã tăng đáng kể ở Nhật trong thập kỷ qua. Tuy nhiên khoảng cách về thu nhập và cơ hội nghề nghiệp giữa nam giới và nữ giới vẫn còn lớn. Xem thêm nghiên cứu về chủ đề này của OECD năm 2017

*Chợ cá Tsukiji cũ đã đóng cửa vào năm 2018 và di chuyển tới một địa điểm khác. Đọc thêm tại japan-guide.

*Japan-guide là website tôi sử dụng cùng với cuốn Japan của Lonely Planet khi tôi đến Nhật vào tháng 12, năm 2014

Lịch trình 2 tuần ở Nhật của tôi và Trang