Ảnh bìa: WanderLabs on Unsplash

Tôi đã sống xa Việt Nam hơn chục năm, với hơn 6 năm ở Singapore, và gần 6 năm ở Thụy Sỹ. Thời gian đủ dài để tôi phần nào có thể trả lời câu hỏi: “Sống nước ngoài khác ở Việt Nam như thế nào?”.

Bài viết cố gắng miêu tả chân thực nhất về cuộc sống ở nước ngoài cho những người tò mò hoặc những người đang có ý định di chuyển. Tất nhiên, đây là ý kiến của cá nhân tôi. Nó giới hạn trong hoàn cảnh của một người đi học sau đó đi làm công việc công sở. Môi trường của Singapore và Thụy Sỹ cũng mang những đặc thù riêng, khác với các quốc gia khác.

Hãy chuẩn bị cho những cú sốc văn hóa

Tôi nhớ ngày đầu tiên xuống sân bay Changi Singapore cũng lần đầu tiên tôi đi nước ngoài. Em gái một người bạn đón tôi ở sân bay và đưa tôi về. Trời đã xẩm tối khi tôi về đến căn nhà thuê. Mọi người đều đi làm chưa về chỉ có một người ở nhà. Chị cùng nhà chỉ cho tôi phòng của mình. Tôi ngồi một mình trong căn phòng trống, tự nhiên hoang mang, không biết làm gì tiếp.

Tháng đầu tiên ở Singapore tôi bị sốc văn hóa nặng. Tôi bắt đầu học cách làm quen với hệ thống giao thông công cộng và cách mọi thứ ở đây vận hành. Có nhiều hôm tôi lạc đường và mất vài tiếng đồng hồ tìm đường về nhà. Có những buổi tối đi học về khuya đói bụng, không biết kiếm chỗ nào ăn.

Sau nhiều năm ở Singapore, tôi đã có nhiều cơ hội đi đây đi đó, không còn là cô gái trẻ chân ướt chân ráo sang nước ngoài lần đầu tiên nữa. Vậy mà khi chuyển qua Thụy Sỹ tôi vẫn gặp những cú sốc về văn hóa. Tôi đến Thụy Sỹ vào một ngày mùa đông tuyết rơi trắng xóa. Ban ngày ánh sáng yếu ớt và chỉ kéo dài đến tầm 4-5h chiều là trời bắt đầu tối.

Văn hóa châu Âu nói chung và văn hóa ở Thụy Sỹ nói riêng có những điểm đặc thù khác với châu Á. Với mật độ dân số thưa thớt, nhịp sống ở đây hết sức chậm rãi, đặc biệt là vào mùa đông. Người Thụy Sỹ có xu hướng kín tiếng. Mọi người rất tôn trọng quyền riêng tư và tính cá nhân. Dù họ lịch thiệp, nhưng có một thứ rào cản tâm lý nào đó khiến cho việc thân thiết với một ai trở nên rất khó khăn.

Gần đây, tôi gặp một thầy giáo người Pháp mới chuyển qua Việt Nam. Thầy nói, cuộc sống của thầy ở Pháp rất bình lặng. Khi thầy ở Việt Nam, mọi thứ xảy ra quá nhanh và ồn ã. Ngay cả khi đi nghỉ dưỡng, những khu nghĩ dưỡng cũng toàn gia đình hay nhóm bạn. Thầy nói với tôi, hình như người Việt thích tính đoàn thể và cộng đồng hơn là sự riêng tư. Là một người đã từng sống ở hai nơi, tôi hiểu sự khác biệt văn hóa này. Tôi nhận ra, với bất kỳ ai khi ra nước ngoài sống, họ đều đối mặt với những cú sốc văn hóa, vì họ không còn là con cá bơi trong bể nước của chính mình nữa.

Photo by Jacek Dylag on Unsplash

Phải học cách tự thân vận động

Hồi còn ở nhà, cứ chán là tôi rủ hội anh em bạn thân đi trà đá hay cà phê. Khi tôi cảm thấy mệt mỏi và không muốn làm gì khác, tôi thường về chơi với bố mẹ ngày cuối tuần. Cái sự luôn có ai đó ở cạnh giúp đỡ, động viên tôi những lúc khó khăn hay chia sẻ những niềm vui hàng ngày là thứ hàng xa xỉ phẩm khi sống ở nước ngoài.  

Khi chân ướt chân ráo sang một nước khác, bạn gần như bỏ lại các mối quan hệ gia đình bạn bè ở phía sau, sang một nơi mà tất tần tật mọi thứ mình phải xây dựng lại từ đầu. Tôi có thể gọi về cho gia đình lúc nhớ nhà, nhưng những trở ngại trong cuộc sống hàng ngày, tôi phải tự thân vận động.

Không có nghĩa là ở nước ngoài thì tôi hoàn toàn đơn độc. Chỉ có điều, thay vì ở Việt Nam với những mối quan hệ rất tự nhiên xung quanh mình, ở nước ngoài tôi cần chủ động xây dựng các mối quan hệ để tạo ra một cộng đồng của mình.

Bạn sẽ luôn là người nước ngoài

Mất bao lâu để tôi trở thành một người Thụy Sỹ? 20, 30 hay 50 năm?

Câu trả lời, theo tôi, là không bao giờ. Cũng giống như một người nước ngoài dù có sống ở Việt Nam vài chục năm và thể nói tiếng Việt trôi chảy thì người đó vẫn không trở thành người Việt. Cái chất của một con người theo tôi là không thể thay đổi được. Vì vậy, khi ở nước ngoài, một chủ đề rất lớn là liệu bạn có thể hòa nhập?

Nhưng ngay cả khi một người có thể hòa nhập tốt, cũng rất khó để họ hòa tan vào một nền văn hóa khác do các rào cản từ ngôn ngữ đến lối sống. Tùy vào sự cởi mở về văn hóa của từng quốc gia mà sự gia nhập của bạn vào đời sống của quốc gia đó nông hay sâu. Ví dụ Singapore là một nền văn hóa rất cởi mở vì bản thân quốc gia nhỏ bé này có đến 1/3 số người nước ngoài. Singapore cũng là một quốc gia trẻ nên sự định hình về văn hóa không quá rõ rệt.

Tôi có cảm giác rào cản về mặt văn hóa lớn hơn ở Thụy Sỹ. Dù là một quốc gia nhỏ ở Châu Âu, đất nước này có một bản thể văn hóa riêng biệt. Gần như bất cứ người nước ngoài nào tôi gặp ở Thụy Sỹ (chủ yếu ở vùng nói tiếng Đức) đều than phiền về việc họ khó kết bạn và khó gia nhập được với cộng đồng người bản địa. Những người này bao gồm cả người Đức, những người có khả năng hiểu và giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương.

Vậy tại sao tôi chọn sống ở nước ngoài?

Photo by Kelly Sikkema on Unsplash

Đến đây, bạn tự hỏi, nếu cuộc sống ở nước ngoài có nhiều rào cản như vậy, tại sao tôi chọn sống ở nước ngoài?

Làm một công dân toàn cầu

Khi tôi ở tuổi 20, tôi rất hào hứng với từ “công dân toàn cầu”. Tôi khao khát được khám phá thế giới và học hỏi những điều mới mẻ. Điều đó đã thôi thúc tôi đi học và ở lại làm việc.

Singapore là một chấm đỏ nhỏ xíu trong Đông Nam Á, nhưng độ cởi mở của quốc gia này ít quốc gia nào có thể sánh được. Khi làm việc tại Singapore, tôi gặp đồng nghiệp và khách hàng từ khắp nơi trên thế giới và tôi bắt đầu hiểu ý nghĩa của từ “công dân toàn cầu“.

Khi chuyển sang Thụy Sỹ, một lần nữa tôi thấy tầm nhìn của mình về thế giới mở rộng hơn. Có lẽ Singapore mang đặc thù của châu Á và một quốc gia mới nổi trong vòng vài thập kỷ gần đây. Thụy Sỹ mang đậm tính cách của văn hóa châu Âu, một nền văn minh đã có lịch sử lâu đời. Vì vậy, ngoài vật chất, người châu Âu rất coi trọng nghệ thuật, văn hóa và chính trị. Đặc biệt là ý thức về cá nhân và tính tự chủ trong cuộc sống của họ rất cao.

Trước đây phạm trù công việc của tôi ở Singapore thường tập trung vào khu vực châu Á đặc biệt là Đông Nam Á. Công việc của tôi ở Thụy Sỹ dù thiên về châu Á, lại yêu cầu có một cái nhìn tổng thể về môi trường kinh tế toàn cầu. Tất nhiên, tùy vào lĩnh vực công việc mà trải nghiệm của mỗi người sẽ khác nhau. Tôi chỉ có thể miêu tả nó từ trải nghiệm của bản thân mình.

Khi so sánh về khía cạnh công việc, tôi nghĩ đây là điểm khác biệt căn bản nếu bạn làm việc ở Việt Nam. Công việc ở trong nước có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa. Xét về lợi thế, thị trường Việt Nam là thị trường mới nổi, có tính năng động và tốc độ tăng trưởng mà các thị trường đã phát triển khác khó bắt kịp được.

Làm một người bình thường hạnh phúc

Ở Thụy Sỹ tôi có thể làm một người bình thường hạnh phúc, trong khi vẫn có một mức sống chất lượng mà ngay cả những người thu nhập cao ở Việt Nam cũng không có được. Mức sống (living standards) không phải là việc một người giàu hơn một người khác. Tôi hay nhận được câu hỏi, ở nước ngoài có giàu không? Câu trả lời là KHÔNG. So sánh thu nhập của một người làm việc công sở ở Việt Nam và chi tiêu với thời giá ở Việt Nam so với thu nhập của tôi ở Thụy Sỹ và chi tiêu với thời giá của Thụy Sỹ thì gần như tương đương. Thậm chí ở một số nước châu Âu, bạn phải đóng thuế lên tới 40-60%.

Tuy nhiên, khi nói về mức sống bao gồm chất lượng dịch vụ công từ y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và chất lượng về vệ sinh thực phẩm thì ở các quốc gia phát triển có những khác biệt vượt bậc so với ở Việt Nam. Nói đi thì phải nói lại, ở Việt Nam, cùng với một mức thu nhập, bạn có thể tận hưởng cuộc sống với mức chi trả hợp túi tiền cho những dịch vụ chăm sóc như cắt tóc, đi spa hay du lịch. Ở Thụy Sỹ những dịch vụ này thường đắt đỏ hơn rất nhiều và không phải ai cũng có thể chi trả được.   

Ở đâu cũng có được và mất

Dù sống ở đâu sẽ có cái được và mất. Không có một nơi nào hoàn toàn lý tưởng. Câu trả lời phụ thuộc vào bạn ưu tiên điều gì trong cuộc sống? Tất nhiên, chuyển ra nước ngoài sống cũng không phải khả thi cho tất cả mọi người. Và kể cả khi nó khả thi đi chăng nữa, thì hãy có một góc nhìn khách quan và tỉnh táo thay vì tin rằng nước ngoài chỉ là “một xứ sở thần tiên”.