Lần theo ký ức về Covid

Mọi chuyện bắt đầu từ cuối 2019, khi Covid lan ra từ Trung Quốc. Quý 2 2020, cả thế giới bất ngờ đóng sầm cửa. Nhiều người tắc lại ở sân bay nước ngoài chờ chuyến cuối cùng để về nhà.

Nửa cuối 2020, Việt Nam là một quốc gia có tiếng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Khi đó, ở châu Âu, nơi tôi sống, cả chục nghìn ca mới mỗi ngày. Báo đài lên tít bệnh viện ở Ý quá tải, các bác sĩ kiệt sức.

Năm 2020 khép lại bằng tin vui chúng ta đã có vắc xin, mang lại niềm hy vọng cơn khủng hoảng y tế toàn cầu sẽ qua.

Qua hơn một nửa 2021, nhiều nước phương Tây đang dần đạt ngưỡng 70% dân số tiêm vắc xin. Cuộc sống dần ổn lại. Khi đó, châu Á oằn mình chống trọi với Delta. Như một cơn mơ tệ hại được chiếu lại, Sài Gòn trải qua cơn bão mà bệnh viện Ý đối mặt cách đây 1 năm.

Vì sao tôi nhắc lại lịch sử không dài của Covid?

Con người hay dùng dữ liệu ngắn trong hiện tại để ước đoán dài về tương lai. Như năm ngoái, chúng ta hân hoan và nhìn phương Tây lắc đầu. Như quý 3 năm nay, bỗng tương lai trở nên xám xịt.

Thực tế, những gì đang xảy ra ở Sài Gòn hôm nay ở một thời điểm nào đó đã xảy ra ở một nơi nào đó trên thế giới. Để chúng ta hiểu rằng, Việt Nam không phải là câu chuyện đơn lẻ. Chúng ta là một mắt xích trong làn sóng toàn cầu.

Cơn sóng nào rồi cũng sẽ qua, nhưng không có nghĩa là cơn sóng sau sẽ không tới nữa. Cách hữu hiệu nhất để tránh khánh kiệt về kinh tế và tả tơi trong dịch bệnh là tiêm vắc xin càng nhanh càng tốt. Nhờ đó, đất nước có thể sớm mở cửa trở lại an toàn. Nếu hứng thú bạn có thể đọc phân tích bằng tiếng Anh của tôi trên Vietcetera về vấn đề này.

Nhưng bài viết hôm nay tôi không bàn sâu về lý trí. Tôi muốn nói nhiều hơn đến những đứt gãy tinh thần.

Những cú sốc

Nguồn: Brian Vo

Tính đến 2021 theo World Bank, gần 150 triệu người bị đẩy xuống dạng cực nghèo do đóng cửa kinh tế. Nếu lâm bệnh nặng vì Covid, người nghèo có khả năng là người đứng cuối hàng để có được máy thở và bình oxy.

Nhưng những đứt gãy đang xảy ra với tất cả chúng ta

Sinh viên năm cuối chưa được tốt nghiệp. Những cha mẹ làm việc ở nhà với tụi trẻ đang quấy. Các công cuộc kinh doanh bị gác lại.

Cuộc thay đổi này tạo ra một sức ép vô hình lên thể chất và tinh thần của tất cả chúng ta. Nó là một sức ép từ từ và liên tục gia tăng. Nhiều người stress mà không biết.

Đó chính là tôi đầu năm 2021. Là một người làm phân tích kinh tế và xem số liệu hàng ngày, tôi biết có bao nhiêu người đang vật lộn với bệnh tật và thất nghiệp do Covid. Tôi may mắn vì khỏe mạnh, có một công việc ổn định, một căn hộ thoải mái ngồi làm việc.

Từng ấy thứ nhắc nhở tôi rằng mình không có lý do gì để buồn bực hay chán nản. Cho tới một ngày, vai của tôi tê cứng vì cả tháng làm việc ở nhà trước máy tính. Tinh thần mệt mỏi, không có cảm hứng và dễ tụt mood khi mọi thứ phật ý mình.

Đứt gãy về tâm lý là một hệ quả tệ hại của Covid

Người bạn là bác sĩ tâm lý của tôi nói rằng những ca tử vong do Covid chỉ là một mặt của cuộc khủng hoảng này. Số người rơi vào trầm cảm hay rối loạn về tâm lý do sự thay đổi đột ngột của hoàn cảnh sống là một câu chuyện không nhỏ khác.

Con người là động vật xã hội. Việc cắt đứt mối liên hệ trực tiếp trong cuộc sống có tác động lớn hơn chúng ta tưởng. Sự bất chắc về tương lai, ảnh hưởng về thu nhập, nỗi sợ nhiễm bệnh, từng đấy thứ đã là những hòn đá tảng đè lên sức khỏe tinh thần. Vì vậy, một người không cần rơi vào điểm cực nghèo để bị ảnh hưởng nặng nề do Covid.

Đây không phải là một bài viết tâm lý học tích cực

Tức là tôi không bảo bạn quên sầu đi và hãy vui lên. Tôi nghĩ những người dám nhìn thẳng vào nỗi buồn của bản thân là những người mạnh mẽ.

Bạn đã đầu tư thời gian và tiền bạc cho kế hoạch kinh doanh sắp tới mà mọi thứ đổ bể, bạn không buồn mới lạ. Khi thu nhập giảm đáng kể, chúng ta sợ kiệt quệ về tài chính. Đó là một nỗi sợ rất hiện hữu. Bạn muốn đi du học mà năm tới thế giới chưa biết ra sao, bạn thất vọng là hoàn toàn có thể hiểu được. Nỗi buồn là một cảm xúc rất con người. Chỉ khi nào ta nhìn thấu nỗi buồn ta mới làm nỗi buồn lắng lại.

Covid dạy chúng ta một điều ta dễ quên mất khi mọi thứ ổn thỏa. Đó là sự mỏng manh của đời sống và sự không đoán định của tương lai. Thực ra, chúng ta chỉ có thể sống đời mình trọn vẹn nhất ngày hôm nay. Thế nhưng, chúng ta đã quá quen với việc lên kế hoạch và gánh cả thế giới trên vai mình.

Sống chậm lại và cho đi nhiều hơn

Nhờ nói chuyện với người bạn bác sĩ, tôi nhận ra mình đã khó tính với mình như thế nào. Tôi ngồi xuống, tìm một không gian tĩnh lặng. Dần dà, tôi nhận diện vài ba thứ đang đè nặng lên đầu óc. Vấn đề lớn nhất của tôi là bị cắt đứt liên lạc với thế giới. Tôi bù đắp sự trống trải đó bằng cách làm việc triền miên, và giành quá nhiều thời gian trên internet, làm cái hố trong lòng càng sâu hoắm.

Ngày hôm sau, tôi bắt đầu chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần. Tôi chịu khó nấu cho mình một bữa sáng ngon lành hàng ngày. Đây là việc mà tôi luôn muốn làm trước Covid. Trước đó, sáng nào cũng tất bật lao đến công ty, chỉ kịp ăn mẩu bánh mì khô và vơ lấy một ly cà phê dưới sảnh.

Tôi có thời gian đọc lại tập truyện ‘Vang bóng một thời‘ của Nguyễn Tuân. Giờ tôi đang ngồi đọc ‘Thương nhớ mười hai‘ của Vũ Bằng. Chiếc Blog này cũng ra đời trong khoảng thời gian tôi có nhiều ý tưởng để viết. Viết lách đã là một phần không tách rời trong cuộc sống của tôi thời thiếu niên. Tôi luôn muốn đi tìm lại phần cuộc sống đã qua ấy.

Nhiều hơn thế, Covid nhắc nhở tôi về sự giản dị của hạnh phúcsự dồi dào của tình người. Nhìn bức ảnh những tình nguyện viên kiệt sức tại Sài Gòn để ‘không có ai bị bỏ lại phía sau’, tôi cảm động vô cùng.

Nguồn: Lina Trochez

Đi qua những đứt gãy…

Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, chúng ta cũng dễ tìm ra những đứt gãy. Nhưng phía sau của những đứt gãy là sự trỗi dậy của những thay đổi tích cực. Chúng ta đang sống chậm lại và biết cho đi nhiều hơn. Nhìn những cảnh đời nghèo khó tan tác vì dịch, ta hiểu sự đủ đầy và bình an mình đang có không phải từ trên trời rơi xuống.

Và tôi biết, khi vượt bão rồi, chúng ta sẽ hiểu con người bọn mình bền bỉ hơn mình tưởng. Đôi khi trong bão, cách tốt nhất là lắng lòng mình lại và chờ ngày nắng lên.

Tặng bạn bài hát của Passenger mà gần đây tôi hay nghe.