Tôi thích nhận và viết thư tay cho bạn bè. Tủ sách có lẽ thứ tài sản tinh thần quý giá nhất của tôi. Tôi nghiện cảm giác cầm một cuốn sách trên tay lật giở từng trang giấy. Tôi nghĩ nhiều người đã lâu không còn cầm bút nữa và đọc sách cũng ít đi. Họ chủ yếu đọc thông tin trên internet, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Mạng xã hội đã thay đổi cuộc sống của chúng ta một cách toàn diện từ giao tiếp, tiêu dùng đến tiếp nhận thông tin. Những thay đổi đó có tác động lớn đến suy nghĩ và các quyết định quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.

Dù mạng xã hội có vai trò quan trọng như vậy, đa số những người sử dụng lại có kiến thức nghèo nàn về chúng. Bài viết này nhằm giúp bạn hiểu hơn cách mạng xã hội vận hành. Quan trọng hơn, mạng xã hội đang định hình hành vi của chúng ta ra sao.


#1 Mạng xã hội biến dữ liệu miễn phí thành tiền

“Không có một bữa ăn nào là miễn phí”

Vậy mà, chúng ta đang sử dụng mạng xã hội miễn phí. Hàng tỉ người đang sử dụng Facebook, Google hay YouTube trên toàn thế giới. Với khối lượng người dùng đó, những công ty này cần nhiều tỷ đô để vận hành dịch vụ.

Theo bạn, họ lấy tiền đâu ra để làm điều đó? Tính đến tháng 9 2021, thị trường tài chính định giá 5 công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ gấp rưỡi GDP Nhật Bản. 5 công ty này bao gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google.

Câu trả lời có lẽ nhiều người đã biết, doanh thu của những công này là doanh thu quảng cáo. Mô hình kinh doanh của quảng cáo là cần một số lượng người dùng lớn. Vì vậy mạng xã hội được thiết kế để mua sự chú ý và giữ chân người dùng.

Làm thế nào để họ giữ chân được tôi hay bạn?

Họ cho chúng ta xem cái mà chúng ta muốn xem. Facebook hay Google có một hệ thống máy tính phức tạp thu thập và phân tích dữ liệu của từng cá nhân. Tôi và bạn có thể không nhớ năm ngoái mình đang ở đâu, ăn gì, đi chơi với ai. Thế nhưng, Facebook thì biết chính xác.

Ở những công ty này có một bộ phận có tên là “monetization” *. Đây là bộ phận “tiền hóa” các dữ liệu của người dùng. Một hệ thống máy tính phức tạp có khả năng đọc khối lượng thông tin đồ sộ (Big Data). Chúng phân tích sở thích, các thông tin mà người dùng click vào trước đây. Sau đó, dự đoán họ đang quan tâm đến loại hàng hóa gì. Tiếp đến, gửi quảng cáo các loại sản phẩm mà bạn cần. Các công ty này cũng dựa vào lịch sử tra cứu của bạn cho bạn xem những nội dung bạn quan tâm. Mục đích là nhằm giữ chân người dùng lại lâu hơn.

Ví dụ bạn đang tìm kiếm váy trẻ em trên Google. Đừng ngạc nhiên khi Facebook hay Youtube gửi bạn quảng cáo váy trẻ em. Chồng hay vợ bạn đang tìm mua giầy chạy. Tự nhiên bạn cũng nhận được những quảng cáo liên quan đến giầy thể thao.

Đây là việc lạm dụng dữ liệu cá nhân?

Hiện tại, các chính phủ ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đang thắt chặt luật pháp trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Nhưng xét đến cùng, nếu ai cũng đòi đi ăn miễn phí, thì mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ này vẫn hiệu quả. Cái giá chúng ta trả cho bữa ăn miễn phí không phải tiền. Cái giá đó là dữ liệu cá nhân của chúng ta. Những dữ liệu đó bị các công ty này sử dụng cho những mục đích mà chúng ta không rõ, miễn là họ làm ra tiền.

#2 Mạng xã hội bóp méo thế giới thực

Nguồn:  Erik Eastman

Nổi tiếng ảo

Năm ngoái, HBO ra bộ phim tài liệu: “Nổi tiếng ảo” (Fake Famous*). Họ chọn ra ngẫu nhiên 3 người bình thường. Mục đích là dùng Instagram, giả mạo những người vô danh thành những người nổi tiếng (influencer).

Họ trả tiền thuê một biệt thự trong ngày để chụp ảnh. Nhóm thử nghiệm dùng photoshop đưa hình ảnh của cô gái tham gia thử nghiệm lên bìa một tạp chí giả. Họ bỏ tiền mua hàng trăm nghìn tài khoản ảo để nhấn “thích” và “theo dõi”. Có hẳn một mạng lưới buôn bán tài khoản ảo trên mạng. Nếu bạn không tin, bạn có thể Google và tìm được vô số những website bán likes and followers ảo cho các trang như Facebook và Instagram.

Quay lại với bộ phim tài liệu kể trên, kết quả của thử nghiệm là người không hề nổi tiếng được biến thành người nổi tiếng thật.

Mạng xã hội kích thích tính ghen tị

Không cần đề cập đến việc giả mạo thông tin. Ngay cả bản thân mỗi chúng ta khi sử mạng xã hội cũng chỉ tải lên những bức ảnh đã được xử lý. Hoặc chúng ta chỉ chia sẻ những khoảnh khắc sang chảnh. Hơn ai hết, chúng ta biết cuộc sống của mọi người có nhiều vật lộn hơn thế. Thế nhưng, khi nhìn những hình ảnh óng ánh của một đứa bạn trên mạng xã hội, ta tự nhiên trằn trọc. Tại sao ai cũng thành công, giàu có, chỉ có cuộc sống của mình mới loạn cào cào lên.

Tệ hơn, giá trị của mỗi hồ sơ trên mạng xã hội dựa vào số lượng likes, bình luận và theo dõi. Không biết từ bao giờ, hạnh phúc của mọi người xoay quanh việc chiếc post mới nhất của mình có bao nhiêu người thích. Vì sao post của cái Mây lại có nhiều người thích hơn post của ta.

Điểm trừ lớn nhất là mạng xã hội là định hình tư duy một chiều.

Hãy nhớ rằng Facebook dựa trên lịch sử click chuột để gợi ý những nội dung tương tự. Nói cách khác, người dùng có xu hướng đọc được một loại thông tin thay vì tiếp xúc với những thông tin đa chiều.

Điều này củng cố tư duy một chiều. Chúng xác nhận những niềm tin chúng ta có trước đây thay vì cung cấp các thông tin mới (confirmation bias). Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa mạng xã hội và khi mình đọc một tờ báo (độc lập) có chất lượng. Và càng khác hơn với với việc đọc các tạp chí khoa học được nghiên cứu kỹ càng.

#3 Mạng xã hội khuyến khích tin đồn và tư duy đám đông

Nguồn: Redgirl Le

Mạng xã hội lan truyền các tin đồn thất thiệt.

Các tin shock thường có tính tương tác và kích thích mạnh hơn so với các tin thông thường. Mạng xã hội được thiết kế để gây nghiện. Vì thế, người sử dụng dễ nhận được các thông tin buôn chuyện hơn những thông tin ít kích thích khác.

Mạng xã hội là sự tập trung của một đám đông vô danh. Như mọi đám đông khác, nó có khả năng thúc đẩy những hành vi của những cá nhân trong đó. Những cá nhân này khi tách nhỏ ra thường hành xử khác khi họ đứng lẫn vào đám đông. Ở Việt Nam, có vô số ví dụ về ném đá hội đồng trên mạng. Nhiều người sử dụng mạng xã hội như một công cụ đấu tố, vạch mặt.

Những cuộc vạch mặt này thu hút hàng triệu người theo dõi do tính ‘giải trí’ của chúng. Nhưng nếu chúng ta không duy trì một môi trường lành mạnh trên mạng xã hội thì chính chúng ta cũng có thể sẽ trở thành nạn nhân của môi trường đó.

Mạng xã hội đang làm cho thế giới trở nên phân cực hơn?

Mạng xã hội cá nhân hóa dựa vào đặc tính sử dụng và quan điểm chính trị của người dùng. Vì vậy, mhững người bảo thủ chỉ đọc những tin bảo thủ. Những người cấp tiến chỉ đọc những tin cấp tiến. Sau đó họ vào các hội nhóm trên mạng với những người nghĩ y hệt như mình và cổ súy lẫn nhau.

Mọi người không còn tranh luận thẳng thắn và lắng nghe ý kiến trái chiều. Một xã hội chỉ đạt được sự tiến bộ khi có sự đa dạng về tư duy. Loài người chúng ta sẽ sống mãi trong chiếc hang tối như thế hệ người vượn cổ. Bởi vì, khả năng cao là đám đông sẽ đồng ý thế giới ngoài kia quá nguy hiểm để khám phá, ở trong hang này an toàn hơn.

Sử dụng mạng xã hội như thế nào?

Bản thân tôi dù là người hoài nghi về mạng xã hội nhưng không phản đối chúng. Mạng xã hội giúp tôi giữ liên lạc với gia đình bạn bè dù khoảng cách địa lý nghìn dặm. Đối với người làm sáng tạo nội dung mạng xã hội là một trong những nơi chúng tôi tìm được khán giả của mình.

Tuy nhiên, tôi thường cẩn trọng về những thông tin tôi nhận được hay chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi thường không click vào những đường link quảng cáo hay link nội dung mà mạng xã hội gợi ý.

Thế giới đang thay đổi và chúng ta cần thích nghi với sự thay đổi đó. Tôi coi mạng xã hội là một công cụ. Cũng như nhiều công cụ khác, chúng ta cần hiểu được sự vận hành của chúng. Từ đó, sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất, thay vì bị thao túng. Sau đây là vài lời khuyên khi sử dụng mạng xã hội:

Thứ nhất, hãy cẩn trọng khi chia sẻ các thông tin cá nhân

Hãy cân nhắc những thông tin này nếu một bên thứ ba sử dụng cho bất kỳ mục đích gì thì nó có ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.

Thứ hai, tìm cách tiếp nhận thông tin từ các nguồn xác thực.

Tránh chia sẻ dây truyền các tin mà mình không rõ nguồn gốc. Sự lan truyền của thông tin giống như virus lan truyền theo cấp số nhân. Tổ chức y tế thế giới* đang phát động chiến dịch đẩy lùi đại dịch tin đồn thất thiệt. Minh họa dưới đây có thể giúp bạn hiểu được mình nên chia sẻ thông tin như thế nào:

Nguồn: The Spinoff, Tổ chức y tế thế giới (WHO), chú giải dịch bởi tác giả

Thứ ba, hãy tìm những nguồn tham khảo đa dạng

Đọc sách và nói chuyện với những người có kiến thức nhiều hơn. Từ đó, có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống và thế giới. Nhìn những thứ trên mạng xã hội với suy nghĩ rằng, đó là một thế giới nhân tạo. Thế giới đó đã bị can thiệp với những mục đích khác nhau của người chia sẻ thông tin. Hãy chọn lọc thật kỹ những thông tin bạn đọc hàng ngày trên mạng. Về lâu dài, nó định hình cách bạn suy nghĩ, hành xử và ra quyết định mà bạn không hề biết.

Kết

Những ngày tháng khó khăn bị giam hãm trong nhà do đại dịch, mạng xã hội là cách ta giết thời gian và tìm niềm vui. Khi bị cắt đứt với thế giới thực, cách nhanh nhất để kết nối là bằng Wifi.

Thế nhưng, mạng xã hội là một thế giới không bao giờ đủ. Sự không bao giờ đủ đó là căn nguyên của việc một người không cảm thấy hạnh phúc. Một chiếc like có thể đem lại cho bạn 15 giây khoái cảm. Sau 15 giây đó là một nỗi cô đơn dài dằng dặc.

Có những cách khác để chúng ta kết nối với thế giới và tìm được sự đủ đầy. Ví dụ như tập thể dục, chăm sóc bản thân, trồng cây, đọc sách, viết lách, vẽ, nghe nhạc, chơi với trẻ con, gọi điện tâm sự với bạn bè và gia đình. Những hoạt động đó sẽ giúp làm giàu hơn tâm hồn của bọn mình chứ không tạo ra môt cái hố sâu hoắm như mạng xã hội.

Để cân bằng một xã hội đang ngày càng số hóa, chúng ta cần ít hơn một đời sống ảo và nhiều hơn một đời sống thật.


Chú giải:

*Để hiểu về cách vận hành của mạng xã hội, xem thêm phim tài liệu: The Social Dilemma| tạm dịch: “Sự lưỡng nan của xã hội”. Chi tiết tại đây: https://www.thesocialdilemma.com/

*Phim tài liệu “Fake Famous” |”Nổi Tiếng Ảo”. Chi tiết tại đây: https://www.hbo.com/documentaries/fake-famous

*Xem thêm thông tin về chiến dịch chống thông tin sai lệch tại website của Tổ Chức Y Tế Thế Giới: https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/immunizing-the-public-against-misinformation


BÀI VIẾT KHÁC: