Tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam, quy mô thị trường lớn với nhiều mảnh đất chưa được khai phá đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Thế hệ doanh nhân Việt trẻ 8x, 9x và thế hệ Z đang tạo ra một môi trường khởi nghiệp rất năng động. Họ vận hành doanh nghiệp với công nghệ tiên tiến, tư duy cách tân và động lực giải quyết các vấn đề xã hội. Nhiều người mơ doanh nghiệp mình một ngày hóa kỳ lân – những công ty tỷ đô.

Trên thực tế, phần lớn start-ups đều sụp đổ sau vài năm. Để hiểu những thách thức của khởi nghiệp, Hà đã dành vài tháng trò chuyện với một số người sáng lập và nhà đầu tư. Qua những cuộc tám chuyện đơn lẻ này, Hà tổng hợp lại 5 LẦM TƯỞNG đã lấy đi thời gian, tiền bạc, thậm chí quyết định sự thành bại của start-ups

Bài viết được dịch ra từ bản gốc tiếng Anh, Hà viết cho Vietcetera. Bài viết đã được điều chỉnh để hợp với văn phong tiếng Việt và bổ sung một số nội dung mới. Xem bản gốc tại đây.

#1 Tôi chỉ cần một ý tưởng độc đáo

Ý tưởng là điểm khởi đầu của bất cứ doanh nghiệp nào | Ảnh: Canva

Mai là người sáng lập một thương hiệu thời trang ở Hà Nội. Cô muốn tạo ra một thương hiệu may đo thiết kế độc lạ cho phụ nữ công sở. Mai bắt đầu bộ sưu tập đầu tiên của mình, nhận được nhiều đơn hàng và phản hồi tích cực.

Tuy nhiên, sau một thời gian, cô nhận ra, thiết kế tốt chưa đủ. Từ thiết kế đến thành phẩm đòi hỏi một quá trình công phu. Nhiều vấn đề hậu cần như nguồn cung vải đứt quãng, đánh giá tiêu cực của khách hàng trên mạng, những mâu thuẫn trong team, nhanh chóng tiêu hao thời gian, sức lực và tiền bạc của doanh nghiệp. Những việc này tưởng chừng vụn vặt lại ảnh hưởng thiết yếu đến số phận của công ty.

Tất nhiên, ý tưởng bao giờ cũng là điểm khởi đầu. Thế nhưng, ý tưởng hay không đảm bảo thành công. Trên thực tế, công việc của khởi nghiệp là xây chiếc cầu giữa ý tưởng và thực tiễn. Vì vậy, việc triển khai ý tưởng trong thực tế là xương sống của doanh nghiệp.

Với những nhà sáng lập trái ngành, thách thức trong việc hiện thực hóa một ý tưởng càng lớn. Một nhà đầu tư nói với Hà: ‘Chị thường nhìn kinh nghiệm thực tế của đội ngũ sáng lập trong lĩnh vực họ định làm. Nếu không có kinh nghiệm trực tiếp, ít nhất họ phải có phương án hiệu quả để lấp đầy lỗ trống đó.’

Ở một thị trường còn thiếu chuẩn hóa như Việt Nam, có những vấn đề ngách mà người trong ngành mới hiểu rõ. Vì thế, người sáng lập cần làm bài tập về nhà và tìm hiểu cho kỹ về đặc thù của ngành và thị trường mình nhắm tới.

#2 Tăng trưởng càng nhanh, càng tốt

Start-up hay bị ám ảnh bởi tốc độ tăng trưởng | Ảnh: Canva

Start-up hay bị ám ảnh bởi tốc độ tăng trưởng. Người sáng lập nhìn vào sự gia tăng của số nhân viên, số cửa hàng, hay khách hàng là thước đo của thành công.

Tuy nhiên, mở rộng doanh nghiệp thường tiêu tốn nguồn lực. Tăng trưởng yêu cầu một hệ thống vận hành phức tạp để quản lý dòng chảy công việc. Chạy công ty với 10 nhân viên hoàn toàn khác với vận hành một bộ máy với hàng trăm nhân viên. Tăng trưởng nóng có thể giết chết một doanh nghiệp nếu kỹ năng và nguồn lực của người điều hành chưa sẵn sàng.

Hà trò chuyện với người sáng lập một chuỗi hàng ăn ở Singapore. Chuỗi hàng này cung cấp thực đơn đồ ăn xanh và sạch đến nhân viên công sở. Là một đầu bếp làm việc trong nhà hàng khách sạn nhiều năm, anh chủ tiệm rất hào hứng cung cấp những món ăn bổ dưỡng và ngon miệng cho khách.

Khi các cửa hàng nhân rộng, anh không thể trực tiếp tham gia vào quá trình chế biến. Ngoài ra, công ty phải tìm thêm nhiều nguồn cung thực phẩm mới thay vì làm việc với một nguồn cung mà anh biết lâu năm.

Điều này dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong chất lượng đồ ăn. Những phản hồi tiêu cực tăng lên. Sau khi mở cửa hàng thứ 3, anh phải tạm dừng vì lo rằng việc nhân rộng sẽ làm cho toàn bộ hệ thống mất cân bằng.

Thực ra câu chuyện này không mới ở Việt Nam, đặc biệt trong ngành bán lẻ. Có những doanh nghiệp tăng trưởng vũ bão trong thời gian đầu, thu hút hàng triệu đô la vốn đầu tư. Không lâu sau, doanh nghiệp rơi vào vòng sụp đổ do tăng trưởng không bền vững.

Do đó, thay vì tăng trưởng càng nhanh càng tốt, tăng trưởng bền vững nên là ưu tiên hàng đầu. Tìm ra đâu là quy mô và tốc độ tăng trưởng hợp lý cho doanh nghiệp của mình hết sức quan trọng. Nếu không, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra mình đang đốt tiền nhiều hơn là kiếm tiền.

#3 Đam mê và kiên trì là con đường dẫn đến thành công

Đam mê là thứ nhiên liệu mạnh mẽ thúc đẩy năng lượng hành động trong mỗi người. Với những trắc trở khi khởi nghiệp, người sáng lập cần thứ nhiên liệu đó để tiếp tục cháy.

Vậy mà, Bryan, một nhà đầu tư mạo hiểm nói với Hà: ‘Hãy cẩn trọng với từ ‘đam mê’. Đam mê đôi khi dẫn người sáng lập vào ‘cái lỗ thỏ’ không thấy đường ra.’

Nếu đam mê của bạn không phải là thứ thị trường cần và sự kiên trì có nghĩa bạn đã ‘kết hôn’ với ý tưởng của mình, thì chúng lại phản tác dụng. Bryan cho rằng hầu hết các ý tưởng kinh doanh ban đầu không hoàn hảo. Kế hoạch kinh doanh sơ khai đó cần được điều chỉnh liên tục để khớp với thực tiễn.

Ở thung lũng Sillicon, có hai khái niệm được sử dụng rộng rãi: Sản Phẩm Khả Thi Tối Thiểu (Minimum Viable Product – MVP) và Sản Phẩm Khớp Thị Trường (Product Market Fit). Thay vì xây dựng một sản phẩm hoàn hảo, tốn nhiều thời gian và tiền bạc, MVP là một sản phẩm ở dạng cơ bản nhất được bán ra ngoài thị trường.

| Để tìm hiểu sâu hơn về khái niệm MVP, bạn có thể tìm đọc cuốn sách ‘The Lean Start-up của Eric Ries.

MVP dùng để kiểm tra những giả thuyết của bạn về nhu cầu thực tế của người dùng, trước khi dồn tiền và nguồn lực để phát triển tiếp. Mục tiêu cuối cùng là đạt tới Sản Phẩm Khớp Thị Trường, thông qua việc lấy phản hồi của khách hàng, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp, tiếp tục lấy phản hồi và cải tiến sản phẩm liên tục.

Sự mạch lạc trong tư duy và khả năng linh động trong thực tế mới là những phẩm chất thiết yếu nhất của người khởi nghiệp. Thay vì để đam mê che mờ suy nghĩ, hãy rõ ràng và trung thực với mình về việc ý tưởng hiện tại có thực tế hay không. Đội ngũ sáng lập có khi cần viết đi viết lại kế hoạch kinh doanh ban đầu cho tới khi doanh nghiệp thực sự khả thi.

#4 Vốn rót càng nhiều, càng tốt

gold round coins on brown wooden table
Rót vốn bao nhiêu là đủ? | Ảnh: Matthew Lancaster

Khi Chat với Founders, Hà thường đặt ra câu hỏi rót vốn bao nhiêu là đủ: 0 đồng, 500 triệu, vài tỷ đồng, vài triệu đô? Câu trả lời là bao nhiêu cũng đủ và cũng không đủ.

Một doanh nghiệp sản xuất xà bông có thể cần một máy trộn hoặc cả một dây chuyền. Một hãng thời trang cần một chuỗi cửa hàng hoặc chỉ một trang web để bán các sản phẩm của mình. Một công ty khởi nghiệp dịch vụ công nghệ cần một vài chiếc laptop trong căn hộ đi thuê của người sáng lập hoặc một văn phòng lung linh giữa lòng thành phố.

Với khởi nghiệp, vốn rót vào như một quả bóng bay, càng thổi càng to. Tại sao việc rót vốn mạnh tay ngay từ ban đầu thường không mang lại hiệu quả như mong muốn?

Cầm Xu, người sáng lập của một trung tâm ngôn ngữ tại Hà Nội chia sẻ: ‘khoảng cách từ ý tưởng trong tưởng tượng đến thực tế xa hơn chúng ta nghĩ’. Điều đó có nghĩa là việc cam kết tài chính ‘khủng’ cho một kế hoạch kinh doanh trên giấy chưa biết tính khả thi ra sao là rất rủi ro.

Trong tài chính và kinh doanh, tối ưu hóa hiệu suất đầu tư của một đồng vốn là quan trọng. Khi doanh nghiệp chưa có khách hàng, doanh thu còn mỏng và thiếu ổn định, việc rót vốn lớn khiến hiệu suất của một đồng vốn giảm đi.

Cầm đã chọn một cách làm rất thông minh. Thay vì thuê một phòng học theo tháng, Cầm tìm các địa điểm để thuê theo giờ. Như vậy chi phí và doanh thu sẽ tương ứng với nhau.

Nhìn chung, làm việc với một số lượng vốn lớn đặc biệt là vốn đầu tư từ bên ngoài thay vì bỏ tiền túi, khiến người sáng lập đôi khi ‘dễ dãi’ trong các quyết định. Làm việc với một nguồn vốn hạn chế, đòi hỏi đội ngũ sáng lập thực tế, có tính toán và tập trung.

#5 Khởi nghiệp để được tự do

Một vài người Hà nói chuyện chọn khởi nghiệp sau khi đã chán chường công việc tẻ nhạt ở công sở.

Minh, người sáng lập một công ty phần mềm ở Sài Gòn chia sẻ cậu ấy có phần ngây thơ khi nghĩ rằng Start-up sẽ đem lại cho cậu tự do. Hóa ra, cậu ấy lại đối mặt với những kiểu ràng buộc và trách nhiệm khác.

Nhiều đêm Minh trằn trọc làm sao để doanh nghiệp của mình có khách hàng mới, đào tạo nhân viên như thế nào để tạo ra chất lượng sản phẩm đồng đều, hay dòng tiền của công ty đang bị kẹt thì làm sao.

Dù người điều hành không thể làm hết các việc A đến Z, họ vẫn là người cuối cùng chịu trách nhiệm về sự thành bại của doanh nghiệp. Vì vậy, rất có thể người sáng lập sẽ trằn trọc nhiều đêm để đổi lấy ‘sự tự do’ được cầm lái doanh nghiệp của chính mình.

Kết

Dù khởi nghiệp khó nhằn, nó lại là một hành trình rất đáng giá. Bởi vì, không hành trình nào đem đến cho người sáng lập cơ hội được học hỏi và phát triển bản thân nhanh chóng như vậy. Quan trọng hơn chúng ta đang rất cần những sáng kiến thị trường đến từ phía doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề xã hội như nghèo đói, ô nhiễm môi trường, chất lượng giáo dục và y tế hạn chế, vv.

Dù hành trình khởi nghiệp có đáng quý bao nhiêu, thất bại vẫn là một trải nghiệm có sức tàn phá về tài chính và tinh thần cho người sáng lập. Vì thế, những kinh nghiệm bỏ túi từ những người đang lăn lộn với khởi nghiệp rất hữu ích để tham khảo khi bạn muốn dấn thân vào con đường này.

Cuối cùng, hãy nhớ nhiều doanh nghiệp chỉ cất cánh sau khi người sáng lập đã thử, đã sai, đã học được điều gì đó và tiếp tục hành trình của mình.