Này cậu, cuộc đời đang sống trong cậu.

Câu cú gì mà lạ thế. Phải là tôi đang sống cuộc đời của mình chứ?

Ừ, người ta hay nói thế. Người ta hay nói cuộc đời của tôi, cuộc đời của cậu.

Tôi thấy có vấn đề gì đâu?

Thực ra chúng ta không sở hữu được cuộc đời.

Cuộc đời của tôi hay cuộc đời của cậu là một phần của một cuộc đời chung. Điều khác biệt duy nhất giữa chúng ta là hoàn cảnh sống đang nhào nặn nên con người của tôi khác với con người của cậu.

Đoạn trích trong một ngôi đền ở Kyoto, tôi chép lại trong cuốn sổ tay.

Tôi đáp tàu xuống Kyoto lúc 10h đêm.

Trời bỗng nổi dông. Gió mạnh. Tuyết rơi nặng hạt. Chiếc vali nặng trĩu liên tục tắc trong lớp tuyết dày. Điện thoại không có sóng. Tôi chỉ có duy nhất tấm bản đồ in trong cuốn Hành Tinh Cô Đơn và tờ giấy ghi địa chỉ nhà trọ.

Trán tôi lấm tấm mồ hôi, dù ngoài trời đang âm độ. Trời càng tối, đường càng thưa bớt người. Nếu tôi không tìm được nhà trọ đêm nay, tôi sẽ ngủ ngoài đường?

Đêm nay là đêm giao thừa. Một chút sương lạnh của mùa đông và cảm giác hồi hộp chen lẫn với sự mong chờ trong bước chân của người qua đường nhắc tôi đến không khí đêm 30 ở nhà.

Tôi dề dệt và mệt lử với chiếc vali kéo trong một con ngõ vắng. Bóng một người đang rảo bước rất nhanh từ hướng ngược chiều. Một người đàn ông Nhật, gần gặn năm chục tuổi, chỉn chu trong bộ đồng phục và chiếc mũ cảnh sát tối màu.

Đây là một cơ hội hiếm hoi để tôi tìm được sự giúp đỡ, nếu tôi không muốn ngủ ngoài đường đêm nay.

*Bác ơi, cho cháu hỏi, đường đến nhà trọ Khao San đi ra sao?

Người cảnh sát có vẻ không rành tiếng Anh. Tôi giở tờ giấy ghi địa chỉ. Ông nhìn tên đường, chỉ lối cho tôi. Tôi cảm ơn. Ông mê mải bước tiếp. Tôi đoán, có lẽ ông đang muốn về nhà cho kịp giao thừa.

Tôi đi được khoảng chục bước chân, thì nghe tiếng gót giày nện xuống mặt đường, lộp cộp từ phía sau. Vẫn là người cảnh sát vừa nãy. Ông xem lại địa chỉ, bỏ chiếc di động ra gọi cho nhà trọ, rồi ra hiệu sẽ dẫn tôi đi.

Khoảng 15 phút sau, chúng tôi tìm đến nơi. Tôi lẩm bẩm cảm kích. Giá tôi biết tiếng Nhật, thì tôi có thể nói với ông nhiều hơn, rằng ông vừa cứu tôi khỏi một cơn ‘tuyệt vọng’ ra sao.

Người cảnh sát nhanh chóng rời đi. Tôi xem đồng hồ. 10 phút nữa là 12h đêm. Tôi thầm thì, cầu trời cho ông về nhà kịp giao thừa đêm nay.

Chia tay nhau ở Takayama, Trang và tôi gặp lại nhau ở Kyoto

Hai chúng tôi chia nhau chiếc giường tầng trong căn phòng rộng khoảng chục mét vuông. Đây là nơi trú ngụ của dân du lịch ba lô từ khắp nơi trên thế giới. Với vài chục đô tiền trọ một ngày, chiếc nhà trọ như thế này trở nên phổ biến với những sinh viên, đi du lịch với túi tiền nhỏ hẹp.

Buổi tối, chúng tôi ngồi ở phòng sinh hoạt chung. Chiếc sofa đệm rất êm bày ngay ngắn trong một căn phòng rộng rãi trên tầng thượng. Chúng tôi bắt chuyện với mấy đứa cùng nhà.

Ngồi đối diện tôi là Emma, 19 tuổi. Một cô gái Đan Mạch với mái tóc dài, vàng óng như tơ. Khuôn mặt cô thon thả chấm một chút tàn nhan trên gò má rất xinh. Emma sang đây theo chương trình đổi giờ làm việc lấy chỗ ở và đồ ăn. Cô vừa xong 3 tháng giúp việc ở một trang trại của cặp vợ chồng nông dân người Nhật.

Mark và John là hai sinh viên kiến trúc người Mỹ. Mục đích chính của hai người đến Nhật là đi thăm các công trình kiến trúc. John hồ hởi cho tôi xem tấm ảnh một chiếc cầu thang lơ lửng trên tường một tòa nhà cao tầng ở Tokyo. Điều kỳ lạ là chiếc cầu thang này không dẫn đến đâu cả. Cậu chàng cười thích thú, ‘ở Nhật quả là có nhiều thứ kỳ lạ‘.

Nghe chúng tôi tán chuyện, hai cậu sinh viên làm việc cho nhà trọ, đang lau sàn cũng dừng tay đứng hóng. Shinichi, người gầy teo đến từ một tỉnh lị cách Kyoto không xa. Hyun là một cậu người Hàn có khuôn mặt bầu bĩnh, và mái tóc dày đen nhánh. Hai anh chàng này làm việc ở đây cũng theo chương trình đổi giờ làm lấy chỗ ngủ và đồ ăn.

Sự đa dạng của thế giới bỗng chốc thu nhỏ lại trong căn nhà trọ bé xíu. Tôi cuồng cái không khí của thế giới đại đồng đó, nơi ranh giới giữa tuổi tác, màu da hay nghề nghiệp bị mờ đi. Chỉ có một thứ chung nhất mà bọn tôi chia sẻ, đó là cảm giác hồi hộp chen lẫn niềm khao khát khám phá của một người lạ xách ba lô đến một miền đất không quen.

Tối hôm đó, Trang và tôi lên A-bar, chiếc izakaya yêu thích của dân du lịch bụi

Gọi là bar nhưng quán nhìn giống một quán rượu. Chúng tôi đến, quán đã chật kín người. Tiếng người nói, tiếng cười giòn tan, khiến lòng người mới đến cũng rộn ràng. Tấm tường gỗ dày đặc những chiếc ảnh được dán ngẫu nhiên. Vài băng ghế tre dài và những bàn ăn xếp dày cạnh nhau. Trong không khí, thoảng một chút men của rượu sake.

Ngồi cạnh Trang và tôi là nhóm 3 người, 2 đứa con trai và 1 đứa con gái chừng tuổi chúng tôi. Tôi và Trang đang ngâm nga tìm đồ ăn, thì cậu ngồi cạnh Trang, bất chợt quay ra hỏi:

*Các cậu từ đâu đến thế?

*Bọn tớ, người Việt, ở Singapore, qua đây chơi vài tuần. Các cậu thì sao?

*Bọn tớ là người ở đây, chỉ có cậu chàng Yuya thì từ Osaka sang chơi

Takuro, anh chàng vừa bắt chuyện với chúng tôi là một chàng họa sĩ vẽ chân dung. Anh vừa nói vừa chỉ tay về phía Yuya. Yuya một anh thợ cắt tóc điển trai, lúc nào cũng tủm tỉm như đang có một suy nghĩ kỳ quặc nào đó trong đầu. Sachi, cô gái duy nhất trong nhóm, có một đôi mắt cười.

Va phải một hội thế này giữa Kyoto quả là tuyệt. Họ nồng nhiệt, tự phát, và tràn ngập cảm hứng. Chúng tôi tán đủ thứ chuyện trên đời. Cho dù, đôi khi rào cản về ngôn ngữ khiến cuộc hội thoại có phần đứt đoạn. Thế mà chúng tôi khoa chân múa tay một hồi cũng hiểu được nhau.

Trời đổ về khuya. Quán bắt đầu vắng dần. Takuro hồ hởi:

*Các cậu về nhà Sachi chơi không?

*Ừ, đi. Chúng tôi gật đầu, dù lời mời đến rất bất ngờ.

Khi chúng tôi bước ra cửa, tuyết bắt đầu rơi. Một con đường nhỏ san sát những hàng cây đầy tuyết, soi rạng bởi những chiếc đèn đường. Chà, tôi đặc biệt thích buổi đêm. Ban đêm lòng người ta dường như mềm ra và phần lý trí trở về gần hơn với tâm hồn.

Tầm 2h sáng, chúng tôi ra về. Tôi không nhớ rõ chúng tôi đã nói những chuyện gì và uống thêm bao nhiêu sake ở nhà Sachi. Chỉ biết rằng, chúng tôi có cái hẹn đi xem kịch Kabuki và dạo phố cùng nhau vào ngày hôm sau.

Đi dạo phố với anh thợ cắt tóc duyên nhất quả đất

Tôi đã phải lòng Kyoto như thế đấy.

Cho đến bây giờ, Kyoto vẫn là một trong những thành phố yêu thích nhất của tôi. Với chức danh là thủ đô cũ, thành phố mang linh hồn của một nước Nhật cổ điển, sâu lắng và kiêu kỳ. Những ngôi đền nức tiếng, phố Geisha, nghi lễ trà, kịch Kabuki, Kyoto có quá nhiều thứ để giữ chân lữ khách. Thời nay, chỉ cần gõ vào Google cậu có thể tìm thấy danh sách dài những thứ cần làm và cần xem ở Kyoto.

Nhưng thú thực, tôi đã quên gần hết những ngôi đền tôi đặt chân đến. Thứ tôi nhớ là một mái nhà tuyết phủ với khoảng sân tĩnh lặng ở góc đường vô danh. Thứ tôi nhớ là cảm giác ngồi trước cửa sổ ở một quán cafe nhỏ và nghe Mika hát Hoa Tuyết | Yuki No Hana

Thứ tôi nhớ là nụ cười của Takuro, khuôn mặt của Yuya và ánh mắt của Sachi ở A-bar đêm qua.

Đi giữa lòng Kyoto, tôi những tưởng mình đang sống trong một cuốn tiểu thuyết, nơi không gian và thời gian ngưng đọng. Tôi biết mình đang lãng mạn hóa Kyoto, nhưng biết làm sao, khi tôi đã lỡ phải lòng thành phố này.

Chúng tôi dừng chân ở Osaka.

Đêm cuối, Trang và tôi thảnh thơi đi uống chút gì đó. Chúng tôi tìm đường đến bar K, chiếc bar cuốn Hành Tinh Cô Đơn gợi ý.

Ở một góc đường vắng hoe, một anh chàng người Nhật đang phì phèo điếu thuốc. Một cậu con trai đậm người với mái đầu húi cua nhìn hơi bụi. Tôi nghĩ mình đã thấy người này đứng đây trước đó. Có nghĩa là bọn tôi đang đi lòng vòng ở 1 con phố đến hai lần.

*Mình lạc đường rồi Trang.

Chúng tôi đi đến gần cậu trai nọ, hỏi đường:

*Cậu ơi, cho bọn tôi hỏi, đến bar K đi lối nào?

Trong sự bất ngờ của hai đứa tôi, cậu trai đáp lời bằng thứ tiếng Anh đặc sệt giọng Mỹ. Tôi lấy làm lạ vì hiếm khi tôi gặp một người Nhật nào nói trôi chảy tiếng Anh đến vậy.

Theo lời chỉ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được chiếc bar. Hôm nay quán vắng hoe, chỉ vẻn vẹn có tôi, Trang và một đoàn bay của một hãng bay Thụy Điển vừa hạ cánh vài tiếng trước. Chúng tôi ngồi chừng hơn 1 giờ rồi ra về.

Bọn tôi lần lại đúng con đường lúc nãy. Phố lúc này đã khuya. Lạ thay, cậu trai vừa nãy vẫn đứng nguyên chỗ đó. Tôi không biết cậu ta đã đốt bao nhiêu thuốc lá, đứng giữa trời mùa đông lạnh ngắt vài tiếng đồng hồ.

*Này cậu, sao vẫn chưa về? Đứng ở đây làm gì thế? Tôi tò mò

*Tôi đang làm việc.

*Việc gì mà đứng đây mấy tiếng đồng hồ vậy?

*Việc của tôi là đứng xem có cớm lảng vảng gần đây không để báo cho người trên lầu?

*Trên lầu người ta làm cái gì mà cậu phải canh cảnh sát thế?

*Trên lầu là một quán bar có dùng chất kích thích. (Tôi đoán là cần sa)

Cậu chàng thoáng một vẻ bối rối vì không hiểu sao mình lại khai hết sạch với hai đứa con gái chả biết chui từ đâu ra.

Tâm lý phiêu lưu của tôi bắt đầu được dựng dậy. Tôi chưa bao giờ vào một quán bar như vậy, nên muốn xem thử. Cũng giống lần đi Thái, tôi khăng khăng rủ hai thằng bạn đến quán bar đèn đỏ chỉ vì tò mò vớ vẩn. Thế là tôi trở thành đứa con gái nhà lành duy nhất giữa một chiếc bar nhộn nhạo, đủ hạng người ở Pataya.

*Này, bọn tôi lên đó được không? Có nguy hiểm không?

*Lên được. Không lành lặn như bar thường, nhưng cậu không làm gì thì cũng chả ai làm gì cậu cả.

Tôi quay ra nhìn Trang, chần chừ. Sau lần về nhà Sachi theo một lời mời rất ngẫu nhiên ở Kyoto, tôi thấy mình thích sự liều lĩnh. Nhưng rồi chợt một tia suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Nếu người ta đã đứng dưới này canh cảnh sát thì có thể ở trên kia là một thế giới quá tải với hai đứa con gái chúng tôi. Tôi không muốn vô tình trở thành nạn nhân. Suy nghĩ này làm tôi lạnh gáy. Tôi và Trang nhìn nhau, lắc đầu:

*Thôi, đứng đây nói chuyện với cậu. Sao cậu nói tiếng Anh đặc giọng Mỹ thế, cậu có phải người Nhật không?

*Tôi là người Nhật nhưng lớn lên ở Mỹ. Năm 15 tuổi tôi bỏ học ở Mỹ quay lại Nhật, sau khi ba mẹ tôi phá sản.

*Thế nào mà cậu lại bôn ba vào cái nghề này?

*Ở đây kiếm sống không dễ. Tôi bỏ học đã lâu, không bằng cấp, không gia đình. Đây là một công việc không đòi hỏi nhiều mà họ trả tôi theo giờ, kiếm tiền cũng được.

Trang quay lại hỏi:

*Vốn tiếng Anh này không giúp cậu được chút gì sao? như đi dạy tiếng Anh hay làm hướng dẫn du lịch?

*Ồ, để làm những nghề đó tôi cần phải học thêm, rồi yêu cầu tối thiểu là học xong cấp 3.

Với một cái đầu tràn ngập các giải pháp cho cuộc sống và niềm tin, ‘ở đâu có ý chí, ở đó có con đường‘, tôi đã bắt đầu nghĩ được đủ các ‘lối ra’ cho cuộc đời cậu chàng. Tôi nghĩ thậm chí mình có thể đứng đó làm một bài thuyết trình truyền cảm hứng sống, đặc biệt khi cơn hâm của tôi nổi lên. Nhưng tôi đã kịp ngăn mình lại.

Vì những vật vã trong đời tôi là công việc không xuôi và những mối quan hệ trắc trở, chứ không phải liệu hôm nay tôi có gì để cho vào bụng hay tối nay tôi sẽ ngủ ở đâu.

Không có nghĩa là những vấn đề tôi gặp phải trong đời mình không đáng gì cả. Có điều, tôi đối mặt với những thứ khác so với những thứ cậu ta phải đối mặt. Nên tôi dừng lại, không giáo điều, mà tìm cách thấu hiểu câu chuyện của người đối diện. Tôi nhận ra, bất kỳ ở đâu trên thế giới này, luôn có những người kém may mắn.

Đêm Osaka lặng dần với những ánh đèn nhòe vào nhau.

Tôi tin khi mình va phải ai đó trong đời là vì mình cần phải gặp người đó.

Hai tuần ở Nhật, tôi đã gặp không ít người trên đường đi. Những khuôn mặt, những nụ cười, những câu chuyện kể, đến rồi đi. Cũng như trong bất cứ mối quan hệ nào trong đời, tôi tự hỏi, tại sao một ai đó, lên cùng một chuyến tàu, đi với mình một đoạn rồi họ đỗ lại ở một sân ga khác, không cùng mình đi tiếp nữa?

Một ngày, ngồi trầm ngâm, tôi nhận ra rằng, sự có mặt của họ trong đời tôi, dù dài hay ngắn, đã làm cho vốn sống của tôi giàu thêm. Họ đã gieo trồng những suy nghĩ, tính cách và sự yêu thích cuộc sống trong tôi theo những cách khác nhau. Không có họ, thì tôi của ngày hôm nay có thể là một phiên bản khác.

Vì thế tôi thầm cảm ơn vì đã gặp nước Nhật vào mùa đông năm ấy, thầm cảm ơn những cuộc chạm mặt ngắn ngủi trên đường đi, để hôm nay tôi có thể kể lại câu chuyện của mình một cách đủ đầy và tôi biết mình có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc.

Đọc tiếp: Phần 1: Nước Nhật, một chuyến phiêu lưu.


Chú giải:

Nhiều hình ảnh trong bài viết được tài trợ bởi Trang, cô gái chia sẻ với tôi rất nhiều kỷ niệm giữa tuổi 20

Lịch trình hai tuần ở Nhật của tôi và Trang năm 2014