Tài chính cá nhân không phải là một môn ‘khoa học viễn tưởng’ như các cuốn sách làm giàu thịnh hành trên thị trường miêu tả. Chuỗi bài về tài chính cá nhân của blog muốn cung cấp những kiến thức căn bản về tài chính. Những hiểu biết này sẽ giúp bạn ra các quyết định tài chính một cách bài bản hơn.

Tài chính cá nhân

Trước khi đọc thông tin, người đọc cần hiểu điểm nhìn của người viết đến từ đâu.

Tôi không phải là người làm tư vấn tài chính cá nhân. Kinh nghiệm làm việc của tôi là tài chính doanh nghiệp và đầu tư dài hạn (thay vì lướt sóng ngắn hạn). Do vậy, điểm nhìn của tôi khác với những người tiếp cận tài chính từ những góc độ khác.

Không có nghĩa là những kiến thức trong lĩnh vực của tôi không ích gì cho tài chính cá nhân. Tài chính doanh nghiệp và đầu tư dài hạn đòi hỏi một cái nhìn mang tính hệ thống về tài chính.

Theo tôi, điều này rất hữu dụng với tài chính cá nhân. Bởi nếu không nhìn ra bức tranh tài chính tổng thể, chúng ta dễ sa đà vào tiểu tiết, và bị hấp dẫn bởi các phương pháp tài chính nửa vời.


Hãy bắt đầu bằng một ví dụ:

Đăng: nhân viên tín dụng, thu nhập: 30 triệu/tháng.

Minh: pha chế chính ở tiệm cà phê, thu nhập: 15 triệu/tháng.

Xét về thu nhập, Đăng có thu nhập gấp đôi Minh. Điều này không có nghĩa là sức khỏe tài chính của Đăng tốt hơn Minh. Chúng ta cần thêm dữ liệu dưới đây để phân tích.

Ví dụ về tài chính cá nhân

Hãy dành vài phút để đọc kỹ thông của Đăng và Minh. Trước khi đọc tiếp bài viết, hãy ghi xuống những vấn đề tài chính mà bạn tìm ra trong ví dụ. Nó sẽ giúp bạn hiểu được các khái niệm và phân tích dưới đây thấu đáo hơn.


#1 Tổng tài sản không phản ánh độ giàu có

Có khi nào bạn nhìn một ai đó có nhà cửa và xe cộ và kết luận rằng họ giàu có? Vấn đề không đơn giản như vậy.

Khi nhìn vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp, khoản mục bạn cần xem không phải tổng tài sản. Thứ bạn cần tính là:

Tài sản ròng (net asset) = Tổng tài sản – Nợ.

(Đây là khái niệm đã đơn giản hóa, vì một số ngành mang tính đặc thù như ngân hàng hay bất động sản, có thể khác).

Thỉnh thoảng đọc báo, bạn thấy người ta xếp hạng những người giàu nhất thế giới. Thước đo nào họ sử dụng để đánh giá độ giàu có của một cá nhân? Đó là:

Tài sản ròng (net worth) = Tổng tài sản – Nợ (cả 2 được tính theo giá trị thị trường)

Trong ví dụ của Đăng và Minh, hãy xem tính toán tài sản ròng của hai cậu dưới đây.

Dùng thước đo này, có thể bạn sẽ bất ngờ nhận ra Minh đang ‘giàu’ hơn Đăng. (Lưu ý: chiếc xe máy của Minh đã qua sử dụng được tính lại theo giá thị trường).

Ví dụ về tài chính cá nhân

Hãy thử tính toán xem tài sản ròng của bạn là bao nhiêu theo công thức sau:

Có nghĩa là:

Thứ nhất, một người có nhà tầng, có xe ô tô, trang sức đeo xúng xính từ đầu đến đuôi, không thực sự giàu có, khi những tài sản này được tài trợ bằng nợ.

Thứ hai, để cải thiện tài chính, chúng ta cần chú tâm đến việc tăng trưởng tài sản ròng.

#2 Thu nhập cao không đồng nghĩa tài chính tốt

Nhiều doanh nghiệp có doanh thu liên tục tăng trưởng nhưng vẫn lỗ. Một trong những nguyên nhân phổ biến là sự hạn chế trong kiểm soát chi phí.

Nhìn vào ví dụ của Đăng và Minh, bạn có thể nhận ra Đăng thu nhập gấp đôi Minh. Thế nhưng, Đăng vẫn âm tiền hàng tháng do sự phình to của chi phí vượt quá thu nhập.

Ví dụ về tài chính cá nhân

Để tài trợ cho khoản âm tiền này, Đăng khả năng cao sẽ đi vay, chờ lương tháng sau bù vào khoản vay tháng trước. Đây là một vòng luẩn quẩn về tài chính, mà không ít người đối mặt, do thiếu kiểm soát về chi tiêu.

Khái niệm dòng tiền

Trong tài chính, khái niệm được ưa chuộng hơn thu nhập/chi phí là dòng tiền. Với cá nhân, dòng tiền ròng là số tiền thực còn lại trong túi/tài khoản của bạn cuối tháng.

Vì sao khái niệm dòng tiền lại liên quan ở đây? Góc nhìn về dòng tiền buộc chúng ta phải đánh giá tài chính của mình dựa trên tiền thực chảy vào và chảy ra, thay vì những ước lượng sơ sài từ thu nhập hay chi phí.

Với kinh doanh, quản lý dòng tiền càng quan trọng. Nếu bạn bán được nhiều hàng, mà không thu được tiền từ khách hàng, trong khi phải trả nhà cung cấp, thì bạn đang gặp vấn đề về dòng tiền.

#3 Vay nợ là con dao hai lưỡi

Nhiều người có ấn tượng xấu với vay nợ. Lý do là những vụ ‘vỡ nợ’ mà chúng ta nghe hàng ngày. Tuy nhiên, một người ‘vỡ nợ’ thường do vay quá nhiều, vay với lãi suất cao, vay cho việc đầu tư/ kinh doanh nhiều rủi ro.

Thực tế, tín dụng là một hoạt động bình thường trong nền kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính (sử dụng vốn vay) tạo ra nguồn lực để doanh nghiệp theo đuổi các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, việc đi vay chỉ có ý nghĩa khi doanh nghiệp dùng vốn vay để tạo ra lợi nhuận tối thiểu > lãi suất.

Nói lợi nhuận tối thiểu vì lợi nhuận của doanh nghiệp biến đổi theo chu kỳ kinh doanh. Trong khi đó, lãi suất thường cố định. Tránh trường hợp doanh nghiệp xác định lợi nhuận ổn định một cách thiếu thực tế.

Với cá nhân, vay thế chấp mua nhà, mua xe và các vật dụng lớn đang trở nên phổ biến. Theo số liệu của ngân hàng thế giới, tín dụng tư nhân của Việt Nam năm 2019 là 137% GDP (xem nguồn).

Trong vòng 5 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng tín dụng nóng nhất ở Đông Nam Á. Chứng tỏ tín dụng đang nở rộ trong xã hội.

[Phân tích dưới đây là quan điểm của tôi về các loại tín dụng cá nhân phổ biến]

Vay tiêu dùng:

Vay tiêu dùng bao gồm vay thẻ tín dụng, vay trả góp cho các sản phẩm tiêu dùng. Đối với tôi, vay tiêu dùng là một quyết định tài chính rất sai. Cũng giống như doanh nghiệp, các khoản vay chỉ có ý nghĩa khi sinh lời nhiều hơn lãi suất.

Những tài sản mua trả góp khấu hao dần, đi kèm với các chi phí bảo trì. Như vậy, chúng ta không những phải trả tiền cho tài sản sau 1-2 năm không còn mấy giá trị, mà còn phải trả các khoản chi phí và lãi vay cho tài sản đó.

Tôi sẽ chỉ tiêu dùng khi có khả năng chi trả, thay vì đi vay để tiêu dùng.

Vay mua ô tô:

Vay mua ô tô về bản chất là vay tiêu dùng. Chiếc ô tô mất giá ngay sau khi lái ra khỏi showroom. Chi phí gửi xe, bảo trì tương đối lớn, cộng với lãi suất hàng tháng phải trả cho ngân hàng.

Ở ví dụ của Đăng, chiếc ô tô mà cậu đi vay 100% để mua, đang tạo ra gánh nặng cho cậu hàng tháng.

Đây là góc nhìn thuần túy từ khía cạnh tài chính. Trong thực tế, có nhiều yếu tố mà chúng ta cần cân nhắc. Ví dụ một người liên tục phải đi xa để đi làm. Họ cần chiếc xe ô tô để phục vụ công việc. Những quyết định như vậy liên quan đến hoàn cảnh từng người nên tôi không bàn thêm.

Với tôi, giống như vay tiêu dùng, tôi chỉ mua chiếc ô tô khi có khả năng chi trả.

Vay mua nhà

Vay mua nhà là trường hợp đặc biệt. Một mặt, vay mua nhà có điểm tương tự với vay tiêu dùng, nếu giá nhà không tăng và căn nhà bị mất giá theo thời gian.

Mặt khác, vay mua nhà có yếu tố của đầu tư khi khả năng sinh lời của căn nhà > lãi suất đi vay.

Đối với thị trường có cấu trúc dân số trẻ, giá nhà đất có xu hướng tăng, thị trường nhà thuê dài hạn còn sơ khai như ở Việt Nam, vay mua nhà có thể là một cân nhắc hợp lý.

(+) Điểm cộng của vay mua nhà, là thay vì trả tiền thuê nhà, bạn có thể dùng số tiền này trả lãi thế chấp. Nếu giá nhà tăng đáng kể, căn nhà có khả năng sinh lời. Tôi tin, nếu bạn là tín đồ của việc mua nhà, bạn có thể tìm ra nhiều điểm cộng khác.

(-) Điểm trừ của vay mua nhà, là bạn cột mình vào một hợp đồng vay rất dài, thường là 20 năm. Nó hạn chế sự linh động trong dòng tiền của bạn (do phải trả lãi hàng tháng).

(-) Điểm trừ thứ hai của vay mua nhà, là thị trường bất động sản ở Việt Nam có yếu tố đầu cơ lớn và đôi khi có những nhập nhèm về pháp lý. Bạn cần tìm hiểu về thị trường để tránh mua căn nhà khi giá đang ở đỉnh, khi bong bóng bất động sản đã phình to, hoặc giấy tờ sở hữu có những vấn đề không ổn.

Điều nên tránh trong vay mua nhà là vung tay quá trán hoặc quyết định đi vay dù khả năng chi trả hạn chế.

Trong ví dụ của Đăng, việc trả góp cho căn hộ đang tạo ra áp lực lớn về tài chính. Để giảm áp lực này, cậu ta có thể chọn 1 căn hộ có giá trị thấp hơn 2.5 tỷ. Cậu ta cũng có thể hoãn việc mua nhà một vài năm, tiết kiệm để giảm tiền gốc và lãi vay.

[Xem tính toán của tôi dưới đây]

Ví dụ về tài chính cá nhân

Đối với tôi:

Tôi là người sống đơn giản, thích tự do, không có nhu cầu sở hữu nhà cửa. Bỏ toàn bộ tiền tiết kiệm vào một căn nhà, cột mình vào một hợp đồng trả lãi 20 năm, tôi không thuyết phục.

Tôi cũng không có nhiều kiến thức về thị trường bất động sản, để biết mua bán thế nào cho lời.

Cũng cần nói thêm rằng, tôi sống ở Thụy Sỹ, thị trường nhà thuê dài hạn rất phát triển và chuyên nghiệp. Vì thế, một người sống trong căn nhà thuê cả đời không vấn đề gì.

#4 Không ai tránh được rủi ro

Nhiều người dùng từ ‘tránh rủi ro’. Thực ra chúng ta không loại bỏ được rủi ro. Rủi ro là một phần không tách rời của cuộc sống, công việc, và kinh doanh. Trong tài chính thay vì dùng từ tránh rủi ro, người ta sử dụng khái niệm quản lý rủi ro.

Quản lý rủi ro trong doanh nghiệp lớn và đặc biệt là trong đầu tư tài chính là một mảng mang tính kỹ thuật cao.

Đối với cá nhân, chúng ta không có các công cụ phức tạp để tính toán. Tuy nhiên, có nhiều cách đơn giản để quản lý rủi ro, mà nhiều người phớt lờ.

Thông thường, người ta không chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất khi cuộc sống hiện tại của họ đang ổn.

Nguyên tắc chung của quản lý rủi ro là bạn cần tạo ra bức đệm an toàn, để trong trường hợp xấu nhất, không rơi vào bước đường cùng.

Sau đây là những cách để bạn tạo ra bức đệm an toàn đó:

Lập dự phòng:

Trong kế toán, nhiều người không lạ với khái niệm trích lập dự phòng. Đối với cá nhân, chúng ta cũng cần một quỹ dự phòng rủi ro.

Quỹ này cần có số tiền đủ cho chi phí sinh hoạt trong vòng ít nhất 3 tháng. Theo tôi, 6 tháng chi phí sinh hoạt là mức an toàn. Trong trường hợp mất việc hay ốm đau đột ngột, bạn và gia đình có 6 tháng chi phí để xoay sở trước khi tìm ra giải pháp khắc phục.

Quỹ dự phòng là một khoản tách biệt với tiết kiệm. Tiết kiệm có thể luân chuyển vào đầu tư, kinh doanh hay cho vay. Trái lại, quỹ dự phòng là một khoản cố định luôn nằm trong túi bạn. Ít nhất số tiền mặt linh động trong tài khoản đủ chi trả cho 3 tháng. Tổng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn có thể rút ra nhanh chóng đủ chi trả cho 6 tháng.

[Xem tính toán của tôi về quỹ dự phòng với trường hợp của Minh dưới đây]

Ví dụ về tài chính cá nhân

Mua bảo hiểm:

Có những rủi ro mà quỹ dự phòng của chúng ta dù lớn đến đâu cũng không thể bảo vệ được mình. Ốm đau hay tai nạn có thể khiến một người mất khả năng làm việc suốt đời. Để kiểm soát được rủi ro này, mua bảo hiểm là một giải pháp hiệu quả. Tối thiểu bạn phải có bảo hiểm sức khỏe.

Trước khi lựa chọn bảo hiểm, hãy kiểm tra xem chúng ta đang có những bảo hiểm gì mà gia đình hay công ty đã chi trả. Nguyên tắc của bảo hiểm là chỉ chi trả một lần cho một rủi ro khi bảo hiểm trùng. Vì vậy, khi mua bảo hiểm 2 lần cho 1 rủi ro (dù từ hai công ty khác nhau), số tiền bồi thường tối đa =100% chi phí thiệt hại. Trong khi đó, bạn đóng phí bảo hiểm hai lần.

Nguyên tắc này chỉ áp dụng cho bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản. (xem thêm). Với bảo hiểm nhân thọ, một người có thể mua nhiều hợp đồng bảo hiểm khác nhau, và được bồi thường riêng rẽ.

Có rất nhiều chi tiết nhỏ trong điều khoản của bảo hiểm mà bạn cần được tư vấn kỹ lưỡng. Người bán bảo hiểm có xu hướng chỉ ra cho bạn các quyền lợi bảo hiểm để thuyết phục bạn mua. Việc hiểu về quyền lợi bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng khác là trong trường hợp nào thì bảo hiểm KHÔNG chi trả.

Từ khía cạnh tài chính, phí bảo hiểm là dòng tiền chảy ra hàng tháng. Vì vậy hãy cân nhắc đến sự ảnh hưởng của nó đến dòng tiền của gia đình. Từ đó quyết định mua bảo hiểm gì, mua bao nhiêu bảo hiểm là đủ, một mặt bảo vệ mình. Mặt khác, không làm phình to chi phí hàng tháng.

Nói tóm lại:

Một bài viết dài dòng hy vọng giúp bạn có cái nhìn tổng quan về tài chính. Nếu bạn không nhớ hết những gì tôi viết, thì chỉ cần nhớ 2 thứ sau:

1/ Hiểu sự luân chuyển giữa thu nhập/chi phí và tài sản (xem hình dưới đây). Để trở nên dư dả, bạn cần tập trung tăng tài sản ròng, bằng cách tăng tiết kiệm/đầu tư, giảm nợ.

2/ Luôn ‘kê đệm dưới mông’. Đảm bảo mình sẽ không rơi tự do xuống nền gạch khi những biến cố trong cuộc sống xảy ra. Nói cách khác, hãy để tâm đến việc quản lý rủi ro tài chính.

[Bảng luân chuyển giữa chi phí/thu nhập và tài sản của cá nhân]

Quy tắc về chuyển dịch dòng tiền trong tài chính cá nhân

#5 Tính kỷ luật là thứ mình đang thiếu?

Cuối cùng, biết thì dễ, làm thì khó. Tôi tin nhiều chúng ta đã biết những quy tắc trên, nhưng không thực hiện. Xét đến cùng mọi thứ có trôi chảy hay không, đôi khi chỉ gói gọn trong hai chữ ‘kỷ luật‘. Vậy có phải kỷ luật là thứ mình đang thiếu, chứ không đơn thuần là kiến thức?

Ngoài kiến thức và kỷ luật, cảm xúc đóng một vai trò lớn trong chuyện tiền bạc. Đọc thêm: Tiền có mua được hạnh phúc không?

***

Gần đây, một số nội dung của blog bị copy và chia sẻ mà không trích nguồn. Nội dung và hình ảnh gốc đăng tải tại trang này mặc định thuộc bản quyền của Perspective Plus. Khi trích dẫn vui lòng nêu rõ tên blog và link gốc của bài viết cùng tên tác giả Thu Hà. Xin cảm ơn.